THƯ TRẢ LỜI SINH VIÊN NĂM NHẤT – NĂM HAI MUỐN HỌC XUẤT NHẬP KHẨU

THƯ TRẢ LỜI SINH VIÊN NĂM NHẤT – NĂM HAI MUỐN HỌC XUẤT NHẬP KHẨU

Thông thường 1,5 năm đầu các em chủ yếu học các môn đại cương, ngoại trừ bạn nào đặt mục tiêu bằng xuất sắc thì cắm đầu cắm cổ học, còn chỉ cần bằng khá hoặc chỉ cần có bằng, có nghĩa là không cần dành 100% thời gian vào cho việc học mọi thứ trong sách giáo trình, thì chị chia sẻ cho các em một số việc các em có thể làm để nâng cấp bản thân, tăng khả năng cạnh tranh, tăng “giá” của mình trong các cuộc phỏng vấn… biết đâu lại tìm ra công việc mình thích và muốn theo đuổi, không nhất thiết cứ là học xuất nhập khẩu nhé!

 

1) Tham gia các hoạt động của trường, của cộng đồng:

Ví dụ: tình nguyện, vì môi trường, chăm sóc bệnh nhân tâm thần, hiến máu, vv… Các hoạt động này không nhất thiết các em phải được cấp chứng nhận hay xác nhận tham gia. Tham gia những hoạt động này, giúp các em:

+) Tăng tương tác với xã hội qua các trải nghiệm, cơ hội giao tiếp, giúp tăng phản xạ giao tiếp thông minh

+) Đánh giá đúng và biết ơn những gì mình đang có (so với những người thiệt thòi hơn mình),

+) Tăng nhận thức về việc tại sao phải thay đổi những thói quen nhỏ trong sinh hoạt để góp phần bảo vệ môi trường (chứ không chỉ tham gia khi có mặt tại các chiến dịch lớn),

+) Rèn cho bản thân có lòng trắc ẩn, bao dung

+) Tiếp xúc với môi trường và những người tích cực, giúp bản thân rèn luyện tư duy tích cực

2) Tìm một công việc làm thêm

Việc làm không chỉ mang lại thu nhập, mà các bạn còn có cơ hội để:

+) Thấm thía việc kiếm tiền khó khăn như thế nào nếu như không có tri thức (mà chỉ làm công việc chân tay)

+) Biết giá trị thực của tiền bạc

+) Nhìn nhận thấu đáo hơn về sự chênh lệch thu nhập cũng như cơ hội việc làm giữa người có ngoại ngữ và người chỉ nói được tiếng Việt

+) Rèn tác phong làm việc có trách nhiệm, biết quan tâm đến đội nhóm, làm việc chuyên nghiệp

+) Rèn khả năng làm việc dưới áp lực cao, khả năng chịu đựng, kiên nhẫn, thậm chí là khả năng nhẫn nhục

+) Biết quý trọng quỹ thời gian mình có và sử dụng có hiệu quả hơn, biết cân đối thời gian hơn

3) Tham gia trải nghiệm đời sống sinh viên: ở trọ kiểu sinh viên, ở kí túc xá sinh viên…

Với các bạn có nhà gần trường, cuộc sống của bạn thời sinh viên không khác gì thời cấp ba. Thậm chí sung sướng hơn vì lịch học ít hơn, nhiều thời gian hơn, nhiều quyền lực trong nhà hơn. Nếu có duyên, các bạn có thể kết bạn được với “dân tỉnh lẻ” lên thành phố học ĐH thì rất tốt. Phần lớn các bạn ấy sẽ phải tự thu xếp cuộc sống của mình dựa trên một khoản trợ cấp cố định từ cha mẹ, tự lo mọi thứ từ việc đi thuê phòng trọ ngay từ lúc mới lớ ngớ bước chân lên HN, cho đến mua sắm cái bát, cái đĩa…. Khi thân nhau rồi, các bạn có thể thi thoảng xin bố mẹ tới ở cùng với bạn mình vài ba ngày (được phép của bạn mình và bố mẹ, có thể ở một vài tuần) để học từ các bạn ấy và từ việc sống chung với người “lạ” những điều sau đây:

+) Sự dũng cảm và khả năng tự lập, tự xoay xở mọi việc với khoản trợ cấp không thay đổi nhiều trong suốt 4 năm học ĐH

+) Trân trọng từng vật dụng nhỏ bé mà mình phải bỏ tiền túi ra mua, từ đó sẽ biết trân trọng đồ đạc của người khác

+) Thấm thía sâu sắc câu “Không ai thương con bằng cha mẹ” và biết ơn những gì cha mẹ đã dành cho mình luôn là thứ tốt nhất mà cha mẹ có thể

+) Biết điều chỉnh bản thân để thích nghi với môi trường, biết nhường nhịn và giảm bớt cái tôi, sự ích kỷ khi sống chung với người khác, tất nhiên là, nếu chúng ta đều muốn sống trong hòa bình

+) Tôn trọng riêng tư của người khác: điện thoại, máy tính, nhật ký, tiền nong, các loại password

+) Học được cách chi tiêu, quản lý tài chính và tiết kiệm khi sử dụng tài nguyên điện, nước và tiết kiệm chi tiêu

+) Học cách sống bản lĩnh, tự chủ, tăng khả năng tự quyết từ các việc nhỏ và đơn giản như mua rau nên mua 1 mớ 3 nghìn hay 2 mớ 5 nghìn? Mua 1 mớ thì ăn được mấy bữa và 2 mớ liệu ăn có chán không, có bị hỏng và vứt đi không?

+) Học cách chia sẻ và yêu thương bạn bè, người thân bên cạnh mình nhất, ai sẽ ở bên mình trong hoàn cảnh khó khăn nhất…

+) Nếu nhiệt tình hơn, em có thể cùng bạn nếm trải cảm giác “ĐI TÌM PHÒNG TRỌ” nó khốn khổ như thế nào, mệt mỏi và chán nản như thế nào thì mỗi khi đến thăm nơi ăn chốn ở của ai đó, em đều biết cách cư xử chừng mực và tôn trọng họ nhiều hơn.

Qua những trải nghiệm với cuộc sống sinh viên, các em cũng sẽ có cách nhìn mới về cuộc sống của chính mình, thấu hiểu người khác hơn khi đặt mình vào vị trí của họ, biết cách suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, … thì rõ ràng chính em cũng trở nên chín chắn và khôn ngoan hơn.

4) Đi xe bus

Sinh viên mà chưa một lần đi xe bus thì chưa phải là một sinh viên chính hiệu J Trên xe bus có rất nhiều kiểu người khác nhau, như một phần của xã hội thu nhỏ. Việc đi bus cũng giúp em học được nhiều thứ phết đấy nhé, đừng coi thường:

+) Khả năng chủ động lựa chọn thay đổi tình thế: khi chờ xe cả tiếng đồng hồ vào giờ cao điểm hoặc trời mưa, có khả năng còn bị bỏ bến, hoặc xe đi đường khác tránh tắc và không qua bến của mình. Nếu như mắc một vài lần, ta rút ra quy luật về thời gian và thói quen của xe đó vào khung giờ đó, mình sẽ có các lựa chọn khác như là: gọi uber, gọi người quen đón, đi bộ ra bến tiếp theo xe đó đi qua, đi lên 1 tuyến khác có thể dẫn mình đến chặn đầu xe kia… vv…vv Vậy, thay vì đứng chửi rủa cho đến khi thất vọng tột đỉnh thì em có thể lựa chọn các con đường khác nhau để vẫn về được nhà. Nếu không vội, hãy luôn để một cuốn sách/truyện em thích trong ba lô để lấy ra đọc bất cứ lúc nào trong khi em chờ bus, em sẽ chẳng còn thấy thời gian ngồi chờ là vô nghĩa nữa.

+) Sắp xếp thời gian của bản thân: Thay vì đi đúng giờ hay bị tắc đường và không có ghế ngồi thì hãy chịu khó đi sớm hơn để thư thả hơn

+) Cư xử lịch sự, văn minh: biết chia sẻ chỗ ngồi cho người phải đứng quá lâu, cho người già, trẻ em, phụ nữ có thai…; giữ trật tự trên xe, giữ vệ sinh trên xe, cảm ơn người phục vụ mình…

+) Cẩn thận với đồ đạc: đồ đạc có giá trị không nên để hớ hênh, đeo ba lô ngược nếu cẩn thận hơn…

5) Học ngoại ngữ

Những lợi thế khi có Tiếng Anh, chắc chắn các em đều nắm rõ, chỉ có điều là các em thực sự chưa có động lực để học. Động lực bắt nguồn từ động cơ. Các em biết cần thiết nhưng do chưa có mục tiêu công việc/cuộc sống rõ ràng nên các em cảm thấy việc học ngoại ngữ thật sự áp lực và bắt buộc. Và cuối cùng các em dù có đi học bao nhiêu trung tâm đi chăng nữa thì cũng chỉ phí tiền.

Đầu tiên, các em cần biết “Mình thực sự muốn gì?” Trả lời chính xác điều mình muốn. Điều em muốn liên quan mật thiết như thế nào đối với khả năng ngoại ngữ của mình? Trình độ ngoại ngữ tối thiểu ở mức nào? Ghi lại tất cả những lý do khiến em cần phải học tiếng Anh, từ lý do bên ngoài đến chính bản thân mình. Khi em gắn mục tiêu của mình với yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì tự dưng em cảm thấy việc học ngoại ngữ bắt đầu từ động cơ “trách nhiệm” của bản thân cũng sẽ dễ dàng hơn so với việc học mà không có một định hướng gì. Nếu em nản, hãy hỏi lại chính bản thân, “Liệu mình có thực sự muốn có điều mình muốn hay không?” em sẽ lấy được lại động lực, cũng như điều chỉnh mình đi theo đúng con đường mình đã vạch ra.

Kinh nghiệm tìm trung tâm học ngoại ngữ: các trung tâm càng to càng đắt đỏ, không phải là lựa chọn phù hợp với sinh viên khi các em chưa tự kiếm ra tiền và cũng chưa có mục tiêu rõ ràng để theo đuổi một cách quyết liệt thì các em nên lựa chọn nơi học dựa trên những yếu tốt sau:

+) Trung tâm nhỏ, start-up càng tốt: vì phần lớn start-up các bạn làm vì đam mê, yêu thích nên sẽ rất hết lòng với học viên, và cũng luôn có những ý tưởng mới mẻ để giúp học viên học hiệu quả, chất lượng.

+) Lớp học có số lượng học viên mỗi lớp từ 10 người trở xuống: để tăng thời lượng tương tác của mỗi học viên với giáo viên tốt hơn

+) Dù học ngoại ngữ hay bất cứ lớp học nào bên ngoài khuôn khổ trường ĐH, nếu chưa có review từ bạn bè mình, các em nên đến học thử để cảm nhận chất lượng trước khi đóng học phí, tránh mất tiền lại thêm phiền lòng.

Thêm một điều nữa, tiếng Anh là thứ ngôn ngữ bắt buộc sau tiếng mẹ đẻ, tất cả chúng ta đều biết rồi. Vậy lợi thế hơn nữa là gì? Ngoại ngữ thứ 2. Sau khi em đã thành thạo tiếng Anh, nên tìm đường học cho mình một ngôn ngữ nữa để tăng lợi thế cạnh tranh cho mình khi đi xin việc. Ngoài chuyên môn, tiếng Anh là bắt buộc thì ngôn ngữ tiếp theo sẽ là gì? Câu trả lời dành cho chính các em. Những ngôn ngữ các em có thể học ngoài Trung, Nhật, Hàn là phổ biến, các em có thể lựa chọn học các tiếng “hiếm” mà không phải ai cũng biết để lựa chọn học: Đức, Ý, Nga, Pháp, Tây Ban Nha…

 

Mỗi năm có hàng trăm nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường, để xác định cho mình chỗ đứng ngay sau khi ra trường, từ năm nhất năm hai, khi đang là ông vua bà nữ hoàng về thời gian thì các em hãy tích cực lăn xả vào cuộc sống thực tế bên ngoài càng nhiều càng tốt. Điều này trái với mong muốn của cha mẹ, vì cha mẹ luôn sợ các em khổ, sợ vất vả, sợ bị lừa… cha mẹ muốn các em tập trung học hành đạt bằng giỏi, bằng xuất sắc để ra trường xin việc tốt, lương cao, ổn định. Nhưng cha mẹ không hay rằng, điểm cao không có nghĩa là kỹ năng sống cao. Mà thực tế các công ty ngày nay, khi tuyển nhân viên là sinh viên mới ra trường, họ không xem xếp loại bằng mà họ test trực tiếp kỹ năng cứng – mềm của các em tại chỗ, làm được hay không biết ngay.

 

Mọi trải nghiệm dù mất tiền hay không mất tiền, dù mất ít hay mất nhiều thì sau mỗi lần “trải”, các em sẽ có nhiều điều để “nghiệm”. Càng nghiệm ra nhiều điều tích cực thì các em càng nhanh trưởng thành. Và trải nghiệm càng nhiều, các em càng trưởng thành và cứng cáp hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đó chính là cái nhà tuyển dụng chọn em chứ không phải vì chữ “Good” hay “Excellent” trên Bằng tốt nghiệp.

 

Thế nhé, các em năm nhất, năm hai cứ dũng cảm lên, ngẩng cao đầu, mở to mắt để quan sát và dỏng tai lên để lắng nghe và đứng thẳng dậy để bước chân vào thế giới. Những gì em học được sẽ không có tiền bạc nào mua nổi. Năm thứ 3-4 tập trung học chuyên ngành, kỳ II năm thứ tư là nộp hồ sơ đi làm part-time ở các công ty rồi, nếu là tốt được người ta ưng thuận thì ra trường lấy bằng là về đầu quân cho công ty luôn.

Nếu em nào muốn vừa được học Xuất nhập khẩu lại vừa có kỹ năng mềm thì đợi năm ba hãy đến HAN EXIM CLUB để tham gia Khóa huấn luyện đặc biệt có một không hai này nhé.

Chi tiết về khóa học tại: http://tuhocxuatnhapkhau.com/khoa-huan-luyen

Mrs Đoàn Thúy- CEO HAN EXIM

—————————————————————————-

CLB Yêu Xuất Nhập Khẩu Hà Nội (HAN EXIM CLUB)

Đào tạo nghiệp vụ Xuất nhập khẩu& Logistics

Mobile: 0906246584 / 0986538963

Add: số 18 ngõ 67 Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội

Website: https://hanexim.edu.vn

Fanpage: https://www.facebook.com/giasuxuatnhapkhau

Facebook: https://www.facebook.com/lophocxuatnhapkhau

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *