Tháo gỡ khó khăn, “khơi thông” thị trường xuất khẩu

Tháo gỡ khó khăn, “khơi thông” thị trường xuất khẩu

Theo báo cáo vừa được Tổng cục Thống kê công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng quan ngại, hầu hết các nhóm hàng, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính; dệt may; nông lâm thủy sản…) đều suy giảm khá mạnh.

TỔNG CẦU THẾ GIỚI SUY GIẢM VÀ HỆ LỤY

“Cơn bão Covid -19” đã đi qua, nhưng hậu quả mà nó để lại là lạm phát và kinh tế toàn cầu suy giảm sâu, đặc biệt đối với các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Có thể nói, lạm phát gây nỗi ám ảnh đối với kinh tế thế giới. Các nước như Mỹ, châu Âu (EU), Vương quốc Anh và nhiều nước khác phải gánh chịu mức lạm phát cao nhất trong mấy thập kỷ qua, làm giảm sức mua và thay đổi cơ cấu chi tiêu của các hộ gia đình. Tổng cầu kinh tế thế giới và các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam suy giảm.

Trong khi đó, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn (gần 200%), xuất khẩu phụ thuộc vào tổng cầu thế giới nên đã bị tác động rất mạnh. Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ giảm 22,6%, EU giảm 10,1%; Trung Quốc giảm 2,2%; Hàn Quốc giảm 10,2%; Nhật Bản giảm 3,3%; ASEAN giảm 8,7%…

Việc giảm ở các thị trường này đã kéo theo xuất khẩu của nhiều mặt hàng chủ lực bị ảnh hưởng, trong đó hàng dệt may giảm 15,3%; giày dép các loại giảm 15,2%; điện thoại các loại và linh kiện giảm 17,9%; gỗ và sản phẩm gỗ giảm 28,8%; phân bón các loại giảm 45,6%…

Đối với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, thủy sản là mặt hàng có mức sụt giảm rất mạnh, tới 27,4%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngành thủy sản tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt các khó khăn: ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine cùng với hậu quả tác động của dịch Covid-19, lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những quốc gia là thị trường xuất khẩu chính mặt hàng thủy sản của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản…

Không chỉ xuất khẩu suy giảm, mà nhập khẩu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, tư liệu sản xuất chiếm tới 93,7%, nhưng chỉ đạt 142,66 tỷ USD, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất đang trì trệ và còn nhiều khó khăn.

Trong báo cáo về Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 6/2023 do S&P Global (Nhà cung cấp hàng đầu các chỉ số và nguồn dữ liệu xếp hạng tín dụng độc lập) công bố mới đây cũng cho thấy, PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 6 đạt 46,2 điểm, tăng so với mức 45,3 điểm của tháng 5.

Mặc dù đã có chút cải thiện, song chỉ số này vẫn nằm dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ tư liên tiếp. Điều này phản ánh rằng sức khỏe ngành sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do giảm số lượng đơn đặt hàng mới.

Báo cáo của S&P Global cũng nêu rõ, tình trạng nhu cầu yếu kém được nhắc đến nhiều trong kỳ khảo sát mới nhất và các điều kiện thị trường suy giảm là nguyên nhân chính dẫn đến giảm số lượng đơn đặt hàng mới. Tổng số lượng đơn đặt hàng mới giảm tháng thứ tư liên tiếp, tốc độ giảm mạnh nhưng vẫn chậm hơn so với tháng 5. Số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm nhanh hơn tổng số lượng đơn đặt hàng mới khi nhu cầu trên thị trường quốc tế giảm.

Liên quan đến vấn đề này, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý 2/2023 của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, có 24,9% số doanh nghiệp có đơn đặt hàng quý 2/2023 cao hơn quý 1/2023; trong khi đó, có tới 36,2% số doanh nghiệp cho biết có đơn đặt hàng giảm. Xu hướng quý 3/2023 so với quý 2/2023, có 32,2% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 26,3% số doanh nghiệp dự kiến đơn hàng giảm.

Về đơn đặt hàng xuất khẩu, quý 2/2023 so với quý 1/2023, có 18,5% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; nhưng có tới 38,3% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm. Xu hướng quý 3/2023 so với quý 2/2023, có 26,7% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới và 27,1% số doanh nghiệp dự kiến giảm.

KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG THIẾU ĐƠN HÀNG

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, những tháng cuối năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất – tỷ giá.

Xuất khẩu, một trong những động tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết 6 tháng đầu năm 2023, tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp ở mức thấp, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu đều giảm so với cùng kỳ, giảm ở cả khu vực doanh nghiệp trong nước và FDI; xuất khẩu sang các thị trường và khu vực cũng đều bị sụt giảm. Nguyên nhân của tình trạng này có cả khách quan và chủ quan, trong đó vấn đề suy giảm về nhu cầu nhập khẩu từ thị trường các nước phát triển là yếu tố tác động mạnh nhất, trực tiếp nhất…

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *